Ngoại hối được viết tắt bởi cụm từ Foreign Exchange hay còn được gọi ngắn gọn hơn là Forex, dùng để chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế (International transaction). Trao đổi tiền tệ toàn cầu tại 1 thị trường phi tập trung – thị trường không dựa vào một mặt bằng giao dịch cố định, mà dựa vào một hệ thống vận hành theo cơ chế chào giá cạnh tranh và thương lượng, thông qua sự trợ giúp của các phương tiện thông tin (OTC).
Ngoại hối là thị trường có mức thanh khoản lớn nhất trên thế giới, với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày khoảng 5 nghìn tỷ đôla. Chính vì thế, so với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối giống như 1 con quái vật khổng lồ có thể “nuốt chửng” cả 2 thị trường kia.
Kinh doanh ngoại hối là kinh doanh những gì?
- Ngoại tệ (Foreign Currency): là các đồng tiền tệ thuộc các quốc gia nước ngoài.
- Công cụ thanh toán bằng ngoại tệ: Séc (cheque), hối phiếu (Bill of Exchange), kỳ phiếu (Promissory Note), giấy chuyển khoản ngân hàng (Transfer Order)…
- Các loại chứng từ có giá bằng ngoại tệ như: Trái phiếu chính phủ (Government Bonds), trái phiếu công ty (Corporate Bonds), cổ phiếu (Stock)
- Vàng (Gold): vàng khối, vàng thỏi, vàng miếng.
- Nội tệ (Local Currency): chính là tiền tệ quốc gia được sử dụng trong xuất nhập khẩu.
- Tiền mã hóa: không cần nói nhiều ai cũng biết đó chính là BTC, ETH, XRP, đúng không?
Những yếu tố nào tác động đến ngoại hối?
Nói tới giao dịch ngoại hối bất cứ nhà đầu tư nào cũng nên tìm hiểu các yếu tố gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, để điều chỉnh chiến lược giao dịch cho phù hợp, gồm 1 số yếu tố như:
Mức lạm phát: là cán cân giúp ổn định tiền tệ và nền kinh tế 1 quốc gia. Vì thế, dù kinh tế phát triển hay sụt giảm cũng gây ảnh hưởng tới lạm phát từ đó kéo theo sự ảnh hưởng tới tiền tệ.
Lãi suất: là một trong những vấn đề quan trọng nhất gây ảnh hưởng tới tiền tệ. Khi lãi suất tăng do việc thắt chặt chính sách tài chính sẽ làm cho đồng tiền nội tệ nước đó tăng theo, nhưng nếu lãi suất tăng do lạm phát cao, thì đồng tiền bị mất giá. Mặc dù vậy, lãi suất cao vẫn sẽ kích thích làm cho đồng tiền giá trị hơn, kích thích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quốc gia đó.
Cán cân thanh toán: hình thức ghi chép những giao dịch kinh tế của một quốc gia với các quốc gia khác, có thể được tiến hành bởi các cá nhân, các doanh nghiệp cư trú trong nước hay chính phủ của chính quốc gia đó. Đối tượng giao dịch gồm các loại hàng hóa, dịch vụ, tài sản thực, tài sản tài chính… Thời kỳ xem xét cán cân thanh toán có thể là một tháng, một quý, phổ biến nhất vẫn là một năm. Khi 1 nước có cán cân thanh toán dương, nhu cầu đối với đồng tiền nước đó tăng, củng cố tỷ giá đồng tiền đó. Ngược lại, nếu cán cán cân thanh toán âm sẽ gây khó khăn cho tiền tệ nước đó.
Nguồn cung tiền: chỉ lượng tiền cung cấp cho nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản, v.v… của các cá nhân và doanh nghiệp, thường do ngân hàng trung ương đảm nhiệm, với nhiệm vụ chính là phải làm sao tạo được thế cân bằng. Ngân hàng trung ương có thể thay đổi tỷ lệ dự trữ cũng như điều chỉnh, bán các giấy tờ có giá của mình đối với các tổ chức tín dụng, từ đó tác động tới lượng vốn khả dụng của các tổ chức này.
Tăng trưởng kinh tế và sự ổn định tài chính cũng gây ảnh hưởng lớn lao đến tỷ giá hối đoái. Nếu đất nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thì các nhà đầu tư sẽ mua hàng hóa và dịch vụ, nhờ vậy họ sẽ cần nhiều tiền tệ hơn để làm các việc kể trên. Và tất nhiên khi nền kinh tế mất ổn định thì sẽ chẳng có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào quốc gia đó khiến cho đồng tiền sẽ bị mất giá.
Những ai có thể tham gia giao dịch ngoại hối?
Bất cứ ai cũng có thể tham gia giao dịch ngoại hối từ cá nhân cho tới các tổ chức miễn là họ phải có kết nối internet. Trong số các thành phần tham gia giao dịch forex, các cá nhân nhỏ lẻ như tôi hay bạn là những người “thấp cổ bé họng” chịu thiệt thòi nhiều nhất!
Sở dĩ chúng ta không thể nào so sánh với các quỹ, các ngân hàng hay các big boys, vì bản thân họ có cả 1 đội ngũ đầy kinh nghiệm trong giao dịch. Không những vậy họ còn giao dịch với khối lượng vô cùng lớn, nhờ vậy họ sẽ giao dịch trực tiếp với các nhà cung cấp thanh khoản nên giá họ được hưởng luôn tốt hơn các cá nhân nhỏ lẻ. Dù vậy trong thị trường forex, cơ hội vẫn luôn chia đều cho tất cả, nên bạn vẫn luôn kiếm được tiền nếu biết cách nắm bắt!
Đặc biệt, với khối lượng giao dịch lên tới 5000 tỷ USD/ ngày, forex quả thực là “món quà” tuyệt vời cho mỗi người. Nên để kiếm 1000 USD/ ngày ở thị trường này không phải là điều khó khăn. Nhưng cơ hội này không phải dành cho số đông, và con đường này không hề trải hoa hồng, phải mất rất nhiều máu và nước mắt bạn mới có thể đạt tới cảnh giới đó.
Là người mới bạn chỉ nên giao dịch các cặp tiền tệ chính hay các cặp tiền tệ phổ biến như: EUR/GBP, EUR/USD, EUR/JPY, USD/CAD, USD/CHF, USD/JPY, GBP/USD, AUD/USD. Ngoài các cặp trên, còn rất nhiều cặp tiền khác được giao dịch, nhưng những cặp tiền trên là có khả năng đem lại lợi nhuận tốt (và cũng mang lại rủi ro cao).
Một điều nữa, để thành công trong thị trường này bạn phải thực sự nghiêm túc, hãy loại bỏ cái tôi xuống. Đừng bao giờ tìm cách chống lại thị trường, với khối lượng thanh khoản hàng ngàn tỷ thì việc bạn muốn tìm cách trả thù khi bị thua lỗ chẳng khác gì lấy trứng chọi đá. Thay vào đó hãy nương mình, đi theo đám đông để kiếm tiền. Chúc các bạn thành công!